Người Trung Quốc có một nhận định: “xã hội càng phát triển, lòng người càng lạnh nhạt”. Câu nói đó dựa vào một tình hình thực tế đang diễn ra trong xã hội Trung Quốc suốt mấy chục năm qua đó là lương tâm và lòng trắc ẩn của con người đang dần bị suy mòn.
Mặc dù nhà nước Trung Hoa đã thiết lập một chế độ pháp trị nghiêm minh khiến cho người dân nghiêm túc chấp hành và tuân thủ pháp luật, căn bệnh về lòng người trong xã hội lại ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Để phân tích vấn đề này, chúng ta cần nhìn lại một chút về quá khứ của đất nước này.

Mục Lục
Tư tưởng pháp gia thời cổ đại
Từ thời kỳ Xuân Thu và thời kỳ Chiến Quốc, Trung Quốc đã tồn tại một trường phái triết học về luật. Đó chính là trường phái Pháp gia, trong đó Hàn Phi Tử chính là một đại diện nổi tiếng của trường phái này. Thầy của Hàn Phi Tử là Tuân Tử vốn là một Nho gia, tuy nhiên Tuân Tử lại có tư tưởng có chút trái ngược lại với Khổng Tử và Mạnh Tử. Tuân Tử cho rằng “nhân chi sơ tính bản ác”, có nghĩa là con người từ khi sinh ra tính vốn ác. Tiếp nối tư tưởng từ người thầy của mình, Hàn Phi Tử cho rằng cần phải lấy cái ác để trị cái ác. Từ đó ông ủng hộ việc thiết lập một chế độ pháp trị sử dụng pháp luật nghiêm khắc để trị quốc. Chế độ này có một ưu điểm đó là nhanh chóng đưa quốc gia vào khuôn khổ, định hướng xã hội phát triển theo tư duy của nhà cầm quyền. Việc áp dụng chế độ pháp trị đã khiến cho nước Tần trở nên mạnh mẽ và thống nhất toàn bộ Trung Hoa. Tuy nhiên áp dụng lâu dài cho một quốc gia, tư tưởng này lộ rõ một nhược điểm đó là người dân trở nên sợ pháp luật hơn là sợ lương tâm. Trong khi đó vào thời Tần, rất nhiều Nho gia bị đàn áp khiến cho người dân khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục về đạo đức.
Vai trò của tôn giáo trong giáo dục xã hội
Khổng Tử là một nhà giáo dục vĩ đại đã dùng cả cuộc đời của mình để nghiên cứu và đóng góp cho công cuộc giáo dục xã hội. Tư tưởng và triết lý của ông tập trung vào sự tu dưỡng đạo đức của cá nhân, thiết lập các chuẩn mực đạo đức trong các mối quan hệ xã hội và dùng đạo đức để cai trị đất nước. Khi ông làm quan tể tướng tại nước Lỗ, với những sự cải cách của mình, chỉ trong một thời gian ngắn nước Lỗ đã trở nên hùng mạnh.
Trong một đất nước mà có nhà cai trị áp dụng đạo của ông thì đất nước đó sẽ thái bình, thịnh trị. Nhân dân nước đó sẽ được hưởng an vui. Chính vì lẽ đó mà đạo của ông không chỉ phổ biến tại đất Trung Hoa mà còn truyền tới rất nhiều quốc gia lân cận.
Chữa bệnh chẳng bằng phòng bệnh. Việc áp dụng hình phạt khi người ta phạm tội chẳng làm giảm được tỉ lệ tội phạm. Nhưng nếu áp dụng sự giáo dục về đạo đức ngay từ thuở nhỏ thì hẳn là tội phạm cũng sẽ ít đi.
Nhờ có Khổng Tử, dân tộc Trung Hoa trong hàng ngàn năm đã trở thành một dân tộc biết coi trọng luân thường lễ nghĩa.
Song hành với Khổng giáo, Đạo giáo và Phật giáo cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giáo dục đạo đức trong xã hội. Ba tôn giáo này tuy khác nhau nhưng không mâu thuẫn, trái lại còn có nhiều điểm tương đồng, hỗ trợ nhau và được gọi là “tam giáo đồng nguyên Nho – Đạo – Thích”.
Sự hủy diệt của các tôn giáo tại Trung Hoa thời hiện đại
Nhiều cuộc chiến tranh vào thế kỉ XX đã khiến cho nguyên khí của dân tộc Trung Hoa bị tổn hại nặng nề. Sau sự thành lập của nước Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa, chủ tịch Mao Trạch Đông đã phát động cuộc “cách mạng văn hóa”, mà trong đó công cuộc “đả tứ cựu” đã hủy diệt các giá trị truyền thống tốt đẹp của Trung Quốc. Cuộc cách mạng này nhằm xóa bỏ các tư tưởng cũ, văn hóa cũ, phong tục cũ và tập quán cũ. Điều này đã khiến cho người Trung Quốc trở nên vô thần, không có đức tin, không có tín ngưỡng.
Hơn thế nữa, Mao cũng là người ủng hộ tư tưởng pháp gia. Những chính sách cai trị của Mao đã khiến cho Trung Quốc bị tổn hại nặng nề trong nhiều lĩnh vực mà hệ quả là cho tới tận ngày nay cũng khó mà khôi phục.
Trong xã hội Trung Quốc ngày nay, sự vô cảm giữa người với người đã trở nên phổ biến. Người Trung Quốc ra đường luôn có tâm thái phòng bị và nghi ngờ. Người bị nạn không có ai cứu giúp.
Vụ tai nạn gây ra cái chết của bé Yue Yue vào năm 2012 chính là minh chứng rõ ràng nhất cho căn bệnh lãnh cảm nghiêm trọng này của xã hội Trung Quốc. Đó là một bé gái 2 tuổi bị một chiếc xe tải cán qua rồi bị bỏ mặc. Hơn 18 người đã đi qua mà không một ai cứu bé. Việc này đã khiến cho dư luận Trung Quốc sục sôi lên án. Tuy nhiên điều quan trọng là trong số những người lên án đó, liệu có nổi một người sẵn sàng cứu Yue Yue không nếu có mặt tại hiện trường lúc đó.
Hiện nay Trung Quốc đã cố gắng rất nhiều trong việc cải cách giáo dục, đồng thời cũng cố gắng phục hưng lại Khổng giáo. Tuy nhiên họ vẫn chưa thực sự nhìn nhận và coi trọng vai trò của tôn giáo trong giáo dục đạo đức xã hội. Cho dù có cố gắng phục hưng lại Nho giáo, chưa một nhà cải cách nào học đạo và áp dụng đạo của Khổng Tử. Việc chữa trị căn bệnh lạnh nhạt cho xã hội Trung Quốc có lẽ cũng vẫn còn xa.
Bài viết này hoàn toàn mang quan điểm cá nhân.
Nguyễn Quảng Đạt
Trả lời