Mục Lục
Đi tìm Shangri-La, vùng đất thần bí trên cao nguyên Tây Tạng, Trung Quốc.
Shangri-La hay còn có tên gọi là Hương Cách Lý Lạp, nằm ở nam duyên cao nguyên Thanh Tạng, vị trí khu vực tam giác Vân Nam – Tứ Xuyên – Tây Tạng, là địa danh có diện tích rộng lớn nhất tỉnh Vân Nam với mật độ dân số nhỏ nhất. Vào năm 1933, tác gia người Anh James Hilton đã xuất bản một bộ tiểu thuyết với tên gọi “Chân trời đã mất”. Cuốn tiểu thuyết này miêu tả về một thế giới thảo nguyên tuyết sơn trong suốt và vĩnh hằng, thế giới này từ đó trở thành chốn bồng lai tiên cảnh trong mộng của con người. Nơi đó chính là quê hương của người dân tộc Tạng, là thống lĩnh của những dãy núi tuyết thánh khiết, là nơi có bầu trời và mặt nước hồ xanh trong vĩnh cửu, giữa sơn trung huyền ảo còn có thể nhìn thấy thấp thoáng những ngôi Phật tự thần bí cùng những ngọn cờ phướn tươi đẹp. Shangri-La là điểm đến hấp dẫn cho du khách trên toàn thế giới khi đi du lịch Trung Quốc.

Vài nét về Shangri-La, Trung Quốc.
Câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết diễn ra trong bối cảnh chiến tranh thế giới thứ nhất, nhân vật chính là một nhà ngoại giao nước Anh. Trên một chuyến bay, ông ta cùng với 3 người bạn phương tây khác đã bị một phi hành viên vô danh uy hiếp khiến cho hành trình bay bị lệch khỏi phương hướng ban đầu. Vô hình trung, chiếc máy bay bị rớt xuống một thung lũng ở phía bắc Vân Nam. Nơi đây với những núi tuyết hình kim tự tháp thánh khiết, những hồ nước thanh tịnh, những mục dân tốt bụng, văn hóa thần bí, cảnh tượng nơi đây giống như một bức họa của tiên cảnh đã khiến nhân vật chính quên mất sinh tử, cho rằng mình đã đến được với thiên đường, buột miệng nói ra nơi đây chính là nơi độc nhất vô nhị trên thế gian.

Shangri-La là cái tên có thể suy ra nhiều ý nghĩa như vườn địa đàng, vùng đất cực lạc, nhân gian lạc thổ hay chốn bồng lai tiên cảnh…Điều này đã thu hút rất nhiều người trên thế giới không ngừng hướng tới nơi đây. Từ khi cuốn tiểu thuyết được xuất bản đã hơn nửa thế kỷ đến nay, người ta đua nhau tìm đến vùng thánh địa này. Trên thực tế, Shangri-La rốt cuộc nằm ở đâu chẳng ai thông hiểu được, người ta cho rằng đó chỉ là vùng đất quê hương lý tưởng của James Hilton mà thôi. Thế nhưng cảnh đẹp tuyệt thế được miêu tả trong cuốn sách đã khiến cho biết bao nhà thám hiểm cực nhọc đi tìm kiếm nơi sở tại của nó, những nơi tìm thấy đều chẳng thể nào giống được cảnh tượng như trong sách cả.
Vào năm 1955, rốt cuộc cũng đã có một viên chức trong ngành du lịch Trung Quốc biết được “Shangri-La” chính là tiếng địa phương của một vùng nào đó của Tây Tạng. Sau nhiều lần khảo sát, ông ta đã tìm đến Trung Điện, thủ phủ của Châu tự trị dân tộc Tạng Địch Khánh tỉnh Vân Nam. “Địch Khánh” (Dêqên) rất trùng hợp lại chính là từ đồng nghĩa của “Shangri-La”, trong tiếng Tây Tạng nó có nghĩa là “nhật nguyệt ở trong tim”. Trung Điện đất rộng người thưa, tuyết sơn cao chạm nóc trời mây, dưới chân cỏ xanh mọc thành từng đám, con người cùng với thiên nhiên hòa giai tương sở. Nơi này được coi là nơi giống với “quê hương lý tưởng” của James Hilton nhất. Từ đây vùng đất chẳng mấy ai biết đến này trong phút chốc lại trở thành danh chấn thiên hạ, trở thành điểm trốn tránh hiện thế ồn ào của các lữ hành giả. Trung Điện sau đó cũng được đổi tên thành Shangri-La.

Núi tuyết ở Shangri-La, Trung Quốc.
Trung Điện là nơi có vài con sông lớn của châu Á chảy qua, nơi đây núi tuyết thẳng đứng, hồ nước xanh biếc. Đại tự nhiên đã ban cho nơi này ngọn núi tuyết Cáp Ba (Ha Ba) hùng vĩ cao 5396 mét so với mực nước biển. Đây là ngọn núi duy nhất của tỉnh Vân Nam cho phép con người chinh phục ở độ cao 5000 mét và cũng được giới leo núi công nhận là sự lựa chọn đầu tiên cho những người leo núi nhập môn sơ đẳng. Từ thôn Cáp Ba dưới chân núi tuyết (2650 mét) tới đỉnh núi (5396 mét) là một tuyến đường dài với độ dốc lớn sẽ là thử thách lớn cho lòng dũng cảm và sự kiên trì của những nhà leo núi. Trên núi tuyết Cáp Ba có hồ nước xanh biếc, nước trong hồ thanh tịnh thuần khiết không chịu bất kỳ một sự tạp nhiễm nào.


Nếu muốn lên tận đỉnh núi để ngắm nhìn vẻ đẹp hùng vĩ của Shangri-La mà không muốn bỏ công sức, du khách có thể chọn đi cáp treo đến đỉnh Thạch Ca (Shi Ka). Núi tuyết Thạch Ca cũng là một ngọn núi nổi tiếng khác ở Shangri-La, khác với Ngọc Long Tuyết Sơn ở Lệ Giang chỉ cho phép du khách lên tới trạm gần đỉnh núi thì khi đi Thạch Ca bạn có thể leo lên tận đỉnh núi. Độ cao của núi tuyết Thạch Ca thua xa hai ngọn núi tuyết Cáp Ba và Ngọc Long, chỉ có 4500 mét so với mực nước biển.

Công viên quốc gia Potatso (Phổ Đạt Thố) – Cảnh điểm du lịch số 1 Shangri-La.
Công viên quốc gia Potatso nằm ở độ cao giữa khoảng 3500 mét tới 4159 mét. Đây là công viên đầu tiên của Trung Quốc đạt các tiêu chuẩn của Liên Minh Bảo Tồn Thiên Nhiên Quốc Tế (IUCN) nằm trong khu bảo tồn di sản thế giới Tam Giang Tịnh Lưu và cũng là cảnh điểm du lịch chủ yếu số 1 của Shangri-La. Cảnh sắc nơi đây mĩ lệ tuyệt trần khiến cho du khách bị mê hoặc ngay từ lúc mới đặt bước chân đầu tiên, thậm chí còn ngỡ như mình đang lạc vào tiên cảnh. Đây là điểm đến không thể thiếu khi du lịch Shangri-La.

Tới nơi đây, du khách có thể ngắm nhìn hồ nước xanh biếc phẳng lặng, hai bên hồ là rừng cây lá kim đặc trưng của khí hậu ôn đới rất cuốn hút. Trên đường đi bạn còn có thể bắt gặp những chú bò nhung (bò yak) to lớn đang thong dong gặm cỏ. Xa xa là những ngọn núi tuyết đầy thần bí và cuốn hút. Chúng như muốn nhắn nhủ với người lữ khách: “nếu có cơ hội hãy đến thăm tôi dù chỉ một lần”.

Khi dạo bước trên sạn đạo, những cái cây khô to lớn nằm ngổn ngang giữa rừng cây xanh rờn cũng có sức hút lạ kỳ khiến không ít những vị khách phải chĩa ống kính hay tranh thủ tạo dáng bên gốc cây. Chốc chốc lại có những chú sóc nhỏ con rất dạn người xuất hiện và chúng có thể sẽ xin thức ăn của con người.

Tu viện Songzanlin – Tu viện Phật giáo ở Shangri-La lớn nhất tỉnh Vân Nam.
Nằm ngay gần trung tâm của Shangri-La là tu viện Songzanlin cao chót vót. Đây là tu viện Phật giáo lớn nhất ở tỉnh Vân Nam cho tới thời điểm hiện tại, được coi là phiên bản thu nhỏ của cung điện Potala Tây Tạng. Tu viện này có tên đây đủ là Cát Đán Tùng Tán Lâm Tự. Tu viện này bao gồm một quần thể các ngôi nhà với kiến trúc đặc trưng của Tây Tạng nằm dựa vào sườn núi. Từ cổng vào tu viện, du khách chỉ có một con đường duy nhất để leo thẳng lên khu điện chính ở tít trên cao.

Tới đây bạn có thể dễ dàng bắt gặp những vị Lạt Ma trong bộ áo tu hành màu đỏ sẫm đặc trưng của Phật giáo Tạng Truyền. Ấn tượng nhất phải kể đến đó là phía trên nóc của tu viện có hàng trăm thậm chí hàng ngàn con quạ đen sinh sống và vui chơi hồn nhiên. Cảnh tượng những con qua tự do bay lại trên nóc điện khiến du khách không khỏi thích thú.


Trả lời