Vấn đề nên chọn học tiếng Trung giản thể hay phồn thể là một vấn đề tuy đơn giản mà có nhiều tranh cãi hay tranh luận phức tạp. Thực chất cả hai loại chữ Hán giản thể và chữ Hán phồn thể đều có cái hay riêng của nó.

Chữ phồn thể hiện nay được sử dụng nhiều ở các khu vực như Đài Loan, Hong Kong, Nhật Bản… tuy nhiên vẫn có sự khác biệt chứ không hoàn toàn là đồng nhất. Chữ Hán giản thể được nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa áp dụng phổ biến từ khoảng thế kỉ 20 cho đến nay. Tuy nhiên, người ta thường hiểu lầm rằng chữ giản thể được chính phủ Trung Quốc tự ý giản lược đi. Từ đó họ cho rằng nếu học chữ giản thể thì sẽ mất đi hết giá trị lịch sử và văn hóa. Thực chất đó chỉ là lý do của những người có tư tưởng bài Trung cực đoan, cứ cái gì của Trung Quốc là họ chê. Chữ giản thể là chữ đã được giản lược trong suốt quá trình lịch sử hàng ngàn năm nay. Chính vì thế nó cũng không phải là chữ mới được cải tiến, nó vẫn mang đủ các giá trị lịch sử và văn hóa.
Mục Lục
Hiểu lầm về chữ Hán giản thể.

Hình ảnh bên trên là tháp cổ Hòa Phong bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Đã từng có nhiều tranh cãi cho rằng chữ viết trên tháp sử dụng chữ phồn thể, tuy nhiên chữ “môn – 门 ” lại là giản thể. Từ đó có người cho rằng chữ viết trên tháp mới được phục dựng lại. Thậm chí còn có ý chê bai rằng người phục dựng lại có kiến thức quá kém vì chen cả chữ Hán giản thể lẫn phồn thể, trong khi từ xưa các cụ ta toàn dùng chữ Hán phồn thể. Thực ra những người đó không hiểu rằng chữ giản thể đã được sử dụng từ hàng ngàn năm nay chứ không phải là chữ mới được cách tân. Và chữ viết trên tháp cổ Hòa Phong không có gì là lạ lẫm cả.
Tôi lấy ví dụ trên để bạn hiểu thêm về chữ Hán giản thể và bớt kì thị nó nếu như bạn đang mang trong mình tư tưởng bài Trung cực đoan. Thế nào là cực đoan? Có nghĩa bạn sẵn ghét Trung Quốc cho nên cứ thấy cái gì của Trung Quốc là chê, cái gì của Đài Loan hay Hong Kong, Nhật Bản thì lại ưa thích. Nếu muốn tốt cho bản thân và phát triển hơn trên con đường học vấn thì bạn nên có cái nhìn công tâm hơn tránh góc nhìn từ một phía.
Chữ Hán giản thể và chữ Hán phồn thể cái nào tốt hơn?
Không có câu trả lời chung cho tất cả. Tùy vào nhu cầu, mục đích và năng lực của mỗi người mà có câu trả lời thích hợp. Có thể tôi học chữ giản thể nó sẽ tốt hơn cho bản thân tôi. Nhưng cũng có thể học chữ phồn thể sẽ tốt hơn đối với bạn. Chúng ta có thể so sánh các đặc điểm giữa hai loại chữ này mà lựa chọn cho mình một kết quả.
1. Chữ giản thể thì dễ thuộc và dễ viết lách, chữ phồn thể lại tao nhã và ý nghĩa hơn
– Chữ “cá – 個” đang từ 11 nét được giản hóa xuống còn 3 nét “个”, bạn thấy chữ nào dễ nhìn và dễ viết hơn chưa?
– chữ “nghĩa – 义” được giản hóa từ chữ “義”, tuy giản lược được khá nhiều nét chữ nhưng khi nhìn vào chữ phồn thể ta lại thấy nó có ý nghĩa sâu xa hơn rất nhiều. Cụ thể chữ “義” có cấu tạo phía trên là chữ “dương – 羊” có nghĩa là “con dê”, phía dưới là chữ “ngã – 我” có nghĩa là “tôi,ta…”. Từ đó ta có thể suy luận ra rằng “nghĩa” là một phẩm chất tốt đẹp mà con người ta cần phải đặt lên trên hết. Đó là trách nhiệm giữa “cái tôi” và “bầy đàn”, “cái tôi” phải được đặt phía dưới. Người sống “có nghĩa” phải là người biết hi sinh quyền lợi của bản thân cho người thân, anh em, bạn bè hay tập thể.
2. Chữ phồn thể học được quá khứ, chữ giản thể học được tương lai.
– Có một sự thật rằng người học chữ Hán giản thể rất khó hoặc gần như không thể đọc được các văn bản được lưu truyền từ thời xa xưa. Mà biết bao nhiêu tinh hoa và các giá trị vô giá khác đã được tích lũy trong các văn bản được truyền lại đó. Nếu bạn là một nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu và học lại những giá trị truyền thống mà lại không thể đọc được chúng thì thật là vô cùng đáng tiếc. Cho nên để giải quyết vấn đề này các bạn hãy chọn học chữ Hán phồn thể.
– Chữ phồn thể hiện nay ít người dùng hơn. Trong thời hiện đại, chữ giản thể đang có hơn 1,3 tỉ người sử dụng. Hơn 1,3 tỉ người đó đại diện cho văn hóa và cuộc sống đương đại. Kèm theo đó là nguồn tài liệu vô cùng phong phú và ngày một tăng dần để phục vụ cho việc nghiên cứu tất cả mọi mặt trong đời sống. Liệu trong tương lai, 1,3 tỉ người đang sử dụng chữ giản thể này có thể quay ngoắt sang học lại chữ phồn thể không nhỉ? Theo tôi đó là điều gần như không thể. Vì vậy theo tôi học chữ giản thể bạn sẽ tiếp thu được rất nhiều các kiến thức có giá trị. Hơn nữa, cũng có rất nhiều các văn bản, tác phẩm có giá trị cao thời xưa cũng đã được chuyển dịch sang chữ giản thể. Cho nên việc tìm học lại những tác phẩm trong quá khứ cũng không quá khó khăn.
3. Chữ giản thể viết nhanh hơn, chữ phồn thể lại viết đẹp hơn.
– Trong thời đại xã hội chuyển biến điên cuồng như hiện nay thì cái gì càng nhanh sẽ càng có giá trị. Chữ giản thể học nhanh, đọc nhanh, nhớ nhanh, viết nhanh. Chắc chắn kèm theo cái nhanh đó là một giá trị kinh tế không hề nhỏ.
– Chữ phồn thể thì lại viết đẹp hơn. Có rất nhiều người tuy học chữ giản thể nhưng khi muốn viết thư pháp, viết câu đối… lại phải học viết phồn thể. Lý do người ta không chọn viết chữ giản thể trong các loại hình nghệ thuật là vì viết chữ phồn thể luôn cho ta cảm giác ý nghĩa hơn, thần thái hơn và đẹp hơn.
Trên đây chỉ là một số so sánh từ quan điểm cá nhân tôi để chúng ta thấy được sự lợi hại giữa hai loại chữ. Nên học chữ giản thể hay phồn thể có lẽ bạn tự mình đã có quyết định rồi. Tuy nhiên tôi vẫn có một lời khuyên rằng các bạn học giản thể nên học thêm những chữ phồn thể thông dụng và ngược lại.
Nguyễn Quảng Đạt.
Tôi rất tò mò về hai laoij chữ Phồn thể và Giản thể, không hiểu trên các website chính phủ hay trên các diễn đàn thì dùng loại nào? tối muốn học để nghiên cứu mà không biết học loại nào. Rất mong tác giả trả lời giúp. Xin cảm ơn